Chương trình hợp tác thực hiện các hoạt động pháp lý cộng đồng

Hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng là một trong những mục tiêu và sứ mạng của Trung tâm Tư vấn pháp luật - Trường Đại học Luật TP. HCM. Với thế mạnh là một đơn vị trực thuộc cơ sở đào tạo luật hàng đầu trong cả nước – nơi tập trung nhiều giảng viên, chuyên gia pháp lý giỏi và uy tín cùng với một đội ngũ sinh viên đông đảo, năng động và nhiệt tình, các hoạt động hướng đến cộng đồng mà Trung tâm thực hiện là các hoạt động thiết thực như tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý về các vấn đề thông dụng trong cuộc sống như thủ tục hành chính về hộ tịch, cư trú, y tế, giáo dục, lao động, hôn nhân và gia đình…

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hướng đến thực hiện các công trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các vấn đề về chính sách và so sánh, đối chiếu với thực tế cuộc sống để từ đó tháo gỡ vướng mắc, tìm ra cách thức áp dụng cũng như đề xuất, kiến nghị phù hợp về chính sách.

Trong những năm qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật – Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cộng đồng. Đối tượng mà Trung tâm ưu tiên hướng đến là các nhóm đặc thù như người khuyết tật, trẻ em, người lao động nhập cư, trẻ mồ côi, người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, tù nhân, người chấp hành xong án phạt tù và đang tái hòa nhập cộng đồng, người dân tộc thiểu số và các nhóm người có nguy cơ bị phân biệt đối xử hay dễ bị tổn thương khác. Trong đó, các mô hình chương trình tiêu biểu do Trung tâm từng phối hợp thực hiện và gặt hái nhiều thành công phải kể đến gồm:

1. Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh THCS, THPT:

Nhằm trang bị kiến thức pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM, Trung tâm đã thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều chủ đề đa dạng, mang tính thời sự như: bạo lực học đường, xâm hại tình dục đối với người chưa thành niên, phòng chống ma túy,... thông qua mô hình tổ chức gồm một chuỗi các hoạt động: Kịch diễn đàn, Phiên tòa giả định và Giao lưu hỏi đáp, phân tích.

Trong đó, hoạt động diễn kịch nhằm giúp học sinh nắm được tình tiết vụ án để theo dõi phiên tòa và tạo ra các thắc mắc pháp lý cần được giải quyết. Tiếp đến, hoạt động phiên tòa giả định sẽ tái hiện lại một phiên xét xử vụ án hình sự của tòa án đối với vụ việc đã nêu nhưng giản lược bớt các trình tự, thủ tục xét xử để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền. Thông qua phiên xét xử này, những tình huống, quy định pháp luật sẽ được giới thiệu và làm rõ, từ đó giải đáp những vướng mắc pháp lý đã được nêu trong phần diễn kịch đồng thời giáo dục cho học sinh trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu đối với hành vi vi phạm pháp luật. Cuối cùng là hoạt động giao lưu, hỏi đáp và phân tích nội dung nhằm tóm tắt những vấn đề pháp lý, thông điệp muốn truyền tải cho học sinh thông qua phiên tòa.

 

 

2. Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp mãn hạn tù tại các trại giam, trại tạm giam, học viên cai nghiện ma túy:

Trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp thực hiện rất nhiều chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật và sinh hoạt văn hóa tại các trại tạm giam trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các trại giam thuộc Tổng cục THAHS và Hỗ trợ tư pháp quản lý ở khu vực phía Nam cho đối tượng là phạm nhân sắp mãn hạn tù. Đây là các đối tượng đặc thù, do đó nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đối tượng này được Trung tâm lựa chọn phù hợp với nhu cầu cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng như pháp luật về án tích và xóa án tích; pháp luật về cư trú, chứng minh nhân dân; thi hành án dân sự trong bản án hình sự; pháp luật về lao động; hôn nhân gia đình;... Về hình thức tổ chức, bên cạnh hoạt động giảng dạy pháp luật do các giảng viên là Tiến sĩ, Thạc sĩ luật giàu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn phụ trách, Trung tâm còn thiết kế các hoạt động đa dạng, hấp dẫn khác nhằm thu hút sự tham gia của phạm nhân, đồng thời mang đến giá trị nhân văn cho chương trình, tạo động lực phấn đấu, cải tạo cho phạm nhân. Cụ thể là các hoạt động trò chơi ôn tập kiến thức pháp luật, hoạt động sinh hoạt văn hóa với tên gọi “Khung trời mơ ước” do sinh viên phụ trách; hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp tại bàn với sự tham gia của các Luật sư; hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm.

3. Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người đã chấp hành xong án phạt tù tại địa phương:

Hoạt động phổ biến pháp luật cho người đã chấp hành xong án phạt tù do Trung tâm thực hiện tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, hỗ trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc pháp lý cho người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, giúp họ thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng và góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động được thực hiện dưới hình thức các buổi tọa đàm, trao đổi trực tiếp và giải đáp thắc mắc với sự tham gia của các giảng viên, Luật sư, tư vấn viên, sinh viên tình nguyện.

4. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người dân sinh sống tại các địa phương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.


 

--%>

Hỗ trợ pháp lý miễn phí tại Trung tâm

Phòng B.103, Số 02 Nguyễn Tất Thành, P.13, Q.4, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 02839 400 989 – Số máy nhánh: 146

Hotline: 0919.856.010 (Ms. Bảo Ngọc) 

Email: tvpl@hcmulaw.edu.vn

 

 

 

 

Copyright ©2017 Trường Đại Học Luật TP. HCM

Top