Tọa đàm Kỹ năng tranh tụng của Luật sư bào chữa

Sáng ngày 11/12/2021, tại Trường Đại học Luật TP. HCM đã diễn ra tọa đàm “Kỹ năng tranh tụng của Luật sư bào chữa” do Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.
--------------
Tọa đàm được tổ chức với hình thức trực tiếp tại Trường Đại học Luật TP.HCM và trực tuyến qua phần mềm Zoom với sự tham dự của TS. Lê Trường Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. HCM, Bà Diana Torres – Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Ông Jonathan Gandomi – Điều phối viên Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Dee Harlow – Cán bộ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. HCM và hơn 200 đại biểu là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, nguyên chủ nhiệm đoàn luật sư các tỉnh cùng giảng viên, sinh viên các sơ sở đào tạo luật.
Chủ tọa Tọa đàm là TS. Võ Thị Kim Oanh - Nguyên Chủ tịch Hội đồng trường, nguyên Trưởng Khoa Luật Hình sự, Luật sư Trương Xuân Tám - Trưởng đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc công ty Đông Phương Luật.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại Luật TP. HCM, Lê Trường Sơn nhận định: Tranh tụng là một nguyên tắc mới được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nguyên tắc này trao thêm quyền cho luật sư bào chữa, tăng cường sự bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người nói chung. Tuy nhiên, luật sư bào chữa khi hành nghề còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, quyền lợi người buộc tội chưa được đảm bảo tối ưu. Do đó, Tọa đàm hoan nghênh sự đóng góp ý kiến, những bài tham luận của các luật sư, học giả, sinh viên chung mối quan tâm liên quan đến hoạt động tranh tụng của luật sư bào chữa để tiếp tục đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Đồng thời, TS. Lê Trường Sơn gửi lời cảm ơn đến đơn vị UNDP và INL trong hoạt động hợp tác với Nhà trường.
Tọa đàm diễn ra với hai phiên làm việc, các nội dung thảo luận chủ yếu xoay quanh thực tiễn thi hành những điểm mới trong Bộ luật, đặc biệt là những khó khăn, thách thức luật sư gặp phải khi thực hiện quyền của người bào chữa. Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã đưa ra một số kiến nghị nhằm thực thi đầy đủ quyền của người bào chữa trong Bộ luật, như quy định cụ thể trình tự thu thập, giao nộp chứng cứ của người bào chữa; đảm bảo sự riêng tư trong cuộc gặp giữa luật sư và thân chủ.
Đánh giá cao về nội dung và công tác tổ chức tọa đàm bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam bày tỏ vinh dự khi có cơ hội tham dự tọa đàm cũng như cơ hội được hợp tác với cơ quan ban ngành của Việt Nam trong hoạt động tổ chức dự án, nâng cao chất lượng tư pháp tại Việt Nam, qua đó, gửi lời cảm ơn đến Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Trường Đại học Luật TP. HCM cũng như Cục phòng chống ma túy thực thi pháp luật của Hoa Kỳ trong sự hợp tác chặt chẽ và sâu rộng.
Ông Jonathan Gandomi, Điều phối viên INL cũng cho biết trong bối cảnh Việt Nam đang có sự thay đổi về hoạt động tư pháp, cơ hội hợp tác với các cơ quan nâng cao nguyên tắc pháp quyền, góp phần đảm bảo quyền con người trong buổi tọa đàm hôm nay là một sự may mắn, là sự khẳng định về lời cam kết của Hoa Kỳ trong hỗ trợ Việt Nam.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, TS. Võ Thị Kim Oanh tổng kết những giá trị, nội dung đạt được sau hơn 04 giờ đồng hồ làm việc và gửi lời cảm ơn các đoàn luật sư, khách mời, học viên, sinh viên đã dành thời gian tham dự và tích cực đóng góp ý kiến xây dựng buổi tọa đàm. Các nội dung trao đổi tại tọa đàm sẽ giúp các luật sư đang hành nghề có thêm những kỹ năng và kinh nghiệm bổ ích khi hành nghề, cũng như có nhiều nội dung bổ ích để các giảng viên và sinh viên chuyên ngành luật trao đổi, đúc kết trong quá trình dạy và học.
--%>

Hỗ trợ pháp lý miễn phí tại Trung tâm

Phòng B.103, Số 02 Nguyễn Tất Thành, P.13, Q.4, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 02839 400 989 – Số máy nhánh: 146

Hotline: 0919.856.010 (Ms. Bảo Ngọc) 

Email: tvpl@hcmulaw.edu.vn

 

 

 

 

Copyright ©2017 Trường Đại Học Luật TP. HCM

Top